Cộng đồng Bạn Hữu Đường Xa, nơi tập hợp người lái xe khắp mọi miền đất nước, đang có cuộc bình chọn Top 10 cung đường đèo nguy hiểm nhất. Từ cuộc bình chọn này, những thông tin về các con đèo và những lưu ý quan trọng để di chuyển an toàn trên đường đèo dốc sẽ được tổng hợp và lan toả. Sau đây là những con đèo có trong danh sách bình chọn
1. Đèo Ô Quy Hồ
Đèo Ô Quy Hồ hay còn được biết đến với tên gọi khác là đèo Hoàng Liên Sơn nằm trên tuyền quốc lộ 4B cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn.
Khung cảnh hùng vĩ nơi đèo Ô Quy Hồ – vị vua không chính thức của Tứ đại đỉnh đèo miền núi phía Bắc Việt Nam. (Ảnh: Sưu tầm)
Ô Quy Hồ được đánh giá là một trong những cung đường đèo dài, hiểm trở và cũng hùng vĩ nhất ở miền núi phía Bắc Việt Nam. Cụ thể, đèo có chiều dài ước tính gần 50 km, nằm ở độ cao 2,035m, với điểm nguy hiểm nhất là các đoạn “cua tay áo” men vực thẳm rất khó đi. Đặc biệt hơn nữa, vào mùa đông đỉnh đèo Ô Quy Hồ có thể phủ kín băng tuyết, mặt đường lúc này rất trơn trượt, những xe nếu không trang bị lốp đặc thù dùng để di chuyển trên đường khí hậu lạnh sẽ gặp khó khăn lớn. Từng có video ghi nhận các xe ô tô khi dừng trên đèo bị trôi xuống dù đã thắng đứng xe lại. Để đảm bảo an toàn, nhiều người thường di chuyển trên đèo này khuyên tốt nhất nên đi bằng xe máy hoặc ô tô vào ban ngày, không đi vào buổi tối khi tầm nhìn bị hạn chế và luôn giữ tốc độ vừa phải để xử lý được mọi tình huống bất trắc có thể xảy ra.
2. Đèo Mã Pí Lèng
Khi chinh phục con đèo này, người lái xe sẽ đi trên con đường có cái tên rất thơ mộng “đường Hạnh Phúc” nối liền Đồng Văn và thị trần Mèo Vạc. Nói về sự nguy hiểm của đèo Mã Pí Lèng là phải nhắc đến những đoạn sương mù dày che khuất tầm nhìn, đường ngoằn ngoèo chật hẹp cộng thêm những đoạn cua tay áo khiến các xe đi ngược chiều rất khó trong việc tránh nhau.
Khung cảnh nhìn từ trên cao của Đèo Mã Pí Lèng. (Ảnh: Sưu tầm)
Mã Pí Lèng gọi theo tiếng Quan Hoả chỉ “sống mũi con ngựa” theo nghĩa đen, ý miêu tả sự hiểm trở của đỉnh núi, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua cũng phải tắt thở hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi ngựa.
Cận cảnh những khúc cua của Đèo Mã Pí Lèng. (Ảnh: Sưu tầm)
3. Đèo Khau Phạ
Đèo Khau Phạ là một trong những cung đường đèo quanh co và dốc đứng thuộc hàng bậc nhất Việt Nam. Đèo nằm trên quốc lộ 32 có điểm khởi đầu là đoạn cắt quốc lộ 32 với quốc lộ 279. Chiều dài cung đường đèo ước chừng trên 30 km, nằm ở độ cao từ 1200m đến 1500m so với mặt nước biển.
Với nền nhiệt khá thấp nên trên đỉnh đèo Khau Phạ thường xuyên có mây mù. Đường đèo lại hiểm trở, quanh co uốn lượn, vắt qua núi non chập trùng. Trong suốt chiều dài đường đèo có đến vài chục đoạn đường cua khúc tay áo. Vào những ngày mây mù, đèo Khau Phạ trở nên cực kì nguy hiểm cho cánh lái xe vì tầm nhìn bị hạn chế. Thêm vào đó là sự nguy hiểm rình dập đến từ những tảng đá từ trên núi cao có thể rơi xuống trong điều kiện thời tiết xấu.
4. Đèo Hải Vân
Thiên hạ đệ nhất hùng quan là danh xưng thường được nhắc đến của đèo Hải Vân. Cung đường đèo dài 21km, nằm trên dãy núi Bạch Mã ranh giới của tỉnh Thừa Thiên – Huế và thành phố Đà Nẵng. Nơi cao nhất của đèo lên đến 500m với độ dốc mặt đường khoảng 8%, Mặc dù có địa hình hiểm trở, chênh vênh và có phần hơi nguy hiểm nhưng đèo Hải Vân vẫn có lượng xe cộ đông đúc đi lại. Đèo được đánh giá nguy hiểm bởi địa hình hiểm trở, chênh vênh với những con dốc cheo leo, khúc khuỷu bên núi cao vực thẳm. Tuy vậy, thời gian gần đây sau khi được nâng cấp mở rộng thì cung đường đèo này cũng dễ đi hơn khá nhiều.
5. Đèo Phượng Hoàng
Tên gọi đèo Phượng Hoàng vì cung đường như “cánh chim” giữa trời đưa lữ khách ngắm cảnh trời mây xinh đẹp. Đèo Phượng Hoàng nằm trên quốc lộ 26 nối liền hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk. Cung đường đèo có độ dài khoảng 12 km, nơi ghi nhận độ đốc lớn nhất là 13%, nằm ở độ cao 1500m. Đèo Phượng Hoàng là địa danh một thời từng được ví là đèo tử thần vì vị trí địa lý cũng như những nguy hiểm luôn rình rập người lái xe đi ngang nơi này. Cung đường thử thách cánh lái xe bằng những khúc cua tay áo khúc khuỷu, chỉ cần sơ sẩy là có thể gặp nguy hiểm.
Tuy nhiên hiện tại, con đèo đã được mở rộng, cảnh đẹp, thu hút nhiều tay phượt muốn ngắm nhìn vẻ đẹp hoang dã nơi đây.
6. Đèo Bảo Lộc
Cung đường đèo với khoảng 107 khúc cua gấp và độ dốc lớn thường xuyên ghi nhận những vụ tai nạn nghiêm trọng. Đa số hằng năm đèo luôn trong tình trạng quá tải gây ra kẹt xe cục bộ vì chỉ có 2 làn xe và lượng xe nhu cầu đi Đà Lạt rất cao, đa số du khách muốn đi Đà Lạt phải đi qua đèo này nên đèo luôn trong tình trạng ồn ứ kẹt xe, nhất là vào dịp Tết và các ngày nghỉ lễ.
Các lưu ý khi đi qua Đèo Bảo Lộc
Với chiều dài khoảng 15km, cung đường đèo thuộc quốc lộ 20 trên địa bàn huyện Đạ Huoai và thành phố Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng có độ dốc khoảng 10%, nằm ở độ cao 980m. tốc độ tối đa được lưu thông trên đèo là 40 km/h. Hiện nay ở trên đèo đã được tăng cường lắp thêm gương cầu lồi để đảm bảo an toàn cho người đi đường. đèo Bảo Lộc có một khúc cua cong cực kỳ nguy hiểm, mà đa phần xe lưu thông trên đèo là xe khách 50 chỗ, xe tải và xe máy nên rất dễ va quẹt nhau.
Đèo Bảo Lộc với 108 khúc cua đòi hỏi người lái xe cần tập trung xuyên suốt quá trình di chuyển
7. Đèo Pha Đin
Tên gọi đèo Pha Đin xuất phát từ tiếng dân tộc Thái là “Phạ Đin”, trong đó Phạ nghĩa là trời, Đin là đất hàm ý ở đây là chỗ tiếp giáp giữa trời và đất. Đèo Pha Đin mới được xây bám theo sườn núi phía trái quốc lộ 6 cũ. Chiều dài giảm còn 26km. Cung đường đèo nối liền giữa hai tỉnh Sơn La – Điện Biên với điểm cao nhất là 1648m so với mặt nước biển.
Đèo Pha Đin – Cung đèo khúc khuỷu nhìn từ trên cao. Ảnh: @lekimphuong111989
Đèo Pha Đin cũ có khoảng 125 khúc cua nổi tiếng hiểm trở, đường hẹp, nhiều đoạn chỉ đủ cho một ô tô đi qua. Đèo Pha Đin mới có khoảng 60 khúc cua, có cua rộng tới 60m, độ dốc hạ xuống còn 8% đặc biệt mặt đường rộng gấp 2 lần so với trước.
Nói về độ nguy hiểm khi di chuyển trên đèo Pha Đin là những lúc lên dốc và xuống dốc, con đường dài ngoằn ngoèo với 8 cung đường hết sức nguy hiểm, bán kính đường cong dưới 15m và bên cạnh đó là vô số các khúc cua tay áo, cua chữ A, chữ Z trong đó có rất nhiều đoạn chỉ đủ cho một ô tô đi qua. Một yếu tố nguy hiểm của Pha Đin là nằm trên khu vực núi đất đỏ. Không phải núi đá vôi như những con đường lừng danh khác, nên nền đất tương đối yếu, dễ xảy ra sạt lở đất vào mùa mưa.
8. Đèo Ngoạn Mục
Đèo Ngoạn Mục là đèo có độ dốc lớn nhất ở các tỉnh phía Nam, trung bình độ dốc trên 9 độ. Đúng như tên gọi, cảnh đèo Ngoạn Mục uốn lượn ngoằn ngoèo, nhiều khúc quanh co hiểm trở băng qua núi cao vực cả. Con đường quanh co gấp khúc liên tục.
Đèo Ngoạn Mục nhìn từ trên cao. Ảnh: Sưu tầm
Đèo thuộc địa phận tỉnh Ninh Thuận, men theo những sườn núi dựng nối thung lũng Ninh Sơn với cao nguyên Lang Biang. Đèo có chiều dài 18,5 km nằm ở độ cao 400m. Trên đèo Ngoạn Mục có 4 đoạn cua khuỷu tay rất gấp, con đường uốn lượn mềm mại qua những đồi núi, sườn đồi lớn nhỏ khác nhau tạo hình vòng sóng.
9. Đèo Lò Xo
Đèo Lò Xo nằm trên Quốc lộ 14 trên vùng đất làng Măng Khen xã Đăk Man huyện Đăk Glei tỉnh Kon Tum. Đèo Lò Xo được đánh giá hiểm trở bậc nhất Việt Nam. Đường đèo này không có nhiều khúc cua tay áo như các cung đèo phía Bắc nhưng độ dốc lớn và xuống dốc liên tục, thêm vào đó hiện tại đường đèo này có nhiều vị trí xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn rủi ro tai nạn giao thông.
Đèo Lò Xo đoạn qua huyện Đăk Glei. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)
Đèo có độ dốc 10% nằm ở độ cao hơn 400m so với mực nước biển, chiều dài của đèo ghi nhận là khoảng 37km (trong đó tại tỉnh Kon Tum dài khoảng 17km, còn lại của tỉnh Quảng Nam), nằm trên QL14 (hay còn gọi đường mòn Hồ Chí Minh).
Trong những năm gần đây, đèo này được mở rộng, xóa nhiều điểm đen tai nạn, thiết kế hộ lan mềm bằng lốp xe ô tô và làm nhiều đường lánh nạn. Những sự cải thiện ấy phần nào đã giúp giảm tai nạn giao thông, tuy nhiên con số thống kê về những vụ tai nạn vẫn khá lớn.
10. Đèo Khánh Lê
Đèo Khánh Lê có rất nhiều tên gọi khác như đèo Khánh Vĩnh, đèo Bi Doup, đèo Hòn Giao. Đây là một trong những đèo dài nhất Việt Nam. Cụ thể, theo biển báo ở chân đèo bên huyện Khánh Vĩnh thì đường đèo dài 29 km, tuy nhiên có tư liệu nói đèo dài 33km.
Đèo Khánh Lê nằm trên Quốc lộ 27C nối TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Đỉnh đèo có độ cao 1.700 mét.
Đèo Khánh Lê nhìn từ trên cao
Được xem là tuyến đường huyết mạch của 2 thành phố nổi tiếng về du lịch hiện nay là Đà Lạt và Nha Trang nên lượng phương tiện di chuyển qua lại tuyến đèo rất cao trong khi đèo với nhiều khúc cua cùi chỏ, độ dốc lớn nên thường xuyên xảy ra tai nạn. Chỉ cần một cơn mưa lớn, đất đá trên đèo Khánh Lê sẵn sàng đổ sập đè người đi đường. Nhiều vụ tai nạn xe khách đâm vào vách núi khiến người đi đường ớn lạnh.
Cung đường đèo Khánh Lê thơ mộng nhưng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm
Sạt lở là hiểm họa chực chờ ở đèo Khánh Lê. Theo quan sát của phóng viên từng đi thực tế ở đèo, cứ khoảng 400 – 500 m có một điểm sạt lớn nhỏ. “Những ngày mưa đi đèo Khánh Lê như cược mạng với tử thần”- một người dân đi đèo này cho biết.
Theo kinh nghiệm của các phượt thủ, khách du lịch nên tránh đi đèo Khánh Lê từ tháng 9 đến tháng 12. Bởi thời điểm này là mùa mưa, thời tiết khá lạnh, nhiều sương mù, do đó dễ hạn chế tầm nhìn và xảy ra tình trạng sạt lở đất rất nguy hiểm.
Phía trên là tổng hợp thông tin sơ lược về Top 10 cung đường đèo nguy hiểm nhất Việt Nam theo bình chọn của cộng đồng Bạn Hữu Đường Xa. Nếu bạn đã từng trải nghiệm những cung đường đầy thử thách này thì hãy góp thêm bình chọn và chia sẻ thông tin hữu ích để nhiều người di chuyển an toàn qua các cung đường đèo. Tham gia bình chọn: Tại đây