Cộng đồng lái xe lớn nhất Việt Nam

Những lưu ý các bác tài cần biết khi lưu thông cao tốc Phan Thiết – Vĩnh Hảo

Những thông tin cơ bản

Đường cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết (ký hiệu toàn tuyến là CT.01) là một đoạn đường cao tốc thuộc hệ thống đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông qua địa phận tỉnh Bình Thuận.

Tuyến đường cao tốc này có chiều dài 100,8 km, điểm đầu tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, Bình Thuận nối tiếp với đường cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo và điểm cuối giao với đường đi Mỹ Thạnh thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, kết nối với đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây.

Giai đoạn 1 của tuyến đường xây dựng 4 làn xe không có làn dừng khẩn cấp, bố trí một số điểm dừng khẩn cấp cách quãng 4 – 5km/1 điểm, nền đường rộng 17 m, vận tốc tối thiểu 60 km/h; vận tốc tối đa 90 km/h (trước tháng 1 năm 2024 là 80 km/h). Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư thành 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25 m, vận tốc thiết kế 120 km/h.

Cao tốc Phan Thiết – Vĩnh Hảo

Những lưu ý dành cho tài xế khi lưu thông cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết

Trong chương trình Bạn Hữu Đường Xa vừa qua, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với bác tài Tuấn Văn về những điều lưu ý khi di chuyển trên cao tốc Phan Thiết – Vĩnh Hảo, sau đây sẽ là những thông tin mà bác tài đã chia sẻ:

Không có chỗ dừng chân vệ sinh: Dọc tuyến cao tốc các điểm dừng vệ sinh rất ít, khá bất tiện nếu như bác tài, người nhà hoặc hành khách có nhu cầu đi vệ sinh (chỉ bổ sung 1 chỗ dừng vệ sinh tạm, qua đoạn đó là không còn chỗ để dừng đi vệ sinh)

Bên cạnh đó, một số đoạn có tai nạn không có chỗ để quay đầu xe, phụ thuộc vào tình huống giao thông. Nếu có sự cố phải đợi khoảng 3-4 tiếng mới lưu thông tiếp được. Nếu tài xế không quan trọng vấn đề thời gian thì có thể chạy tuyến đường này.

Tốc độ tối đa 90km/h, đối với các bác tài quen chạy những tuyến cao tốc 100 -120km/h dễ bị tình trạng chạy quá tốc độ

Có những bác tài tấp vào làn dừng khẩn cấp để đi vệ sinh xong không lái xe từ từ để nhập làn mà chỉ xi nhan rồi lao ra. Với những xe chạy làn ngoài và làn giữa thì có thể né kịp nhưng với những xe làn trong cùng (đặc biệt là container) sẽ khó tránh và xảy ra tai nạn.

Lưu ý: Tốt nhất là mở xi nhan trước, quan sát kính chiếu hậu đến khi vào vắng xe hoặc xe chạy chậm lại thì mới từ từ đi ra, phải đi từ từ cho đến khi hết làn dừng khẩn cấp mới tăng tốc sau.

 

Chia sẻ của bác tài Tuấn Văn

 

Dừng nghỉ: Tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết (hướng nam ra bắc), phía bên trái bố trí trạm nghỉ tạm trên khu đất đã giải phóng xong mặt bằng tại Km 199+700 (thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận). Tại đây, đơn vị thi công đã san gạt diện tích đất khoảng 4.000m2 để cho xe dừng đỗ; đồng thời, lắp đặt 6 buồng vệ sinh tạm để người dân, du khách sử dụng. Chậm nhất ngày 26/4 sẽ hoàn thành.

Bên phải tuyến do chưa bố trí được mặt bằng nên sẽ bố trí các biển chỉ dẫn để hướng dẫn người dân ra trạm dừng nghỉ hiện hữu của địa phương tại nút giao Ma Lâm (H.Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận). Tại khu vực nút giao này có trạm dừng chân của người dân, với đầy đủ hệ thống cây xăng, nơi ăn uống, vệ sinh, khu nghỉ ngơi (trạm dừng nghỉ Hiền Hương, cách nút giao Ma Lâm Km208+700 khoảng 300m).

Ngoài ra, các bác tài BHĐX chia sẻ. Nếu muốn dừng nghỉ khi di chuyển trên cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết có thể tham khảo thông tin các điểm dừng nghỉ ở các lối ra như sau:

Lối ra đầu tiên là Ma Lâm (QL28, từ Ba Bàu +26km): Rẽ phải 500m là có trạm Hiền Hương, vừa là cây xăng, có trạm sạc điện. Bác tài chia sẻ thường ăn ở quán Cơm Vàng 18 (đi tới một chút), ngoài ra khu này là thị trấn nên cơm , phở, hủ tiếu… có rất nhiều lựa chọn. Đánh giá là nơi xuống ăn uống hợp lý và rẻ hơn lối ra Ba Bầu. Xe đi Đà Lạt cũng có thể xuống đây và lên đèo Gia Bắc đi về QL20.

Lối ra Đại Ninh QL28B (từ Ma Lâm +30km): Rẽ phải đi 1 km thì có 02 quán cơm gia đình là Tường Vi và Nghìn Tỷ ăn cũng ổn. Không có cây xăng nhưng có garage sửa xe gần đó. Rẽ trái thì đi khoảng 1km thì cũng có vài quán cơm/phở bình dân, ăn…bình thường. Đây là lối ra quen thuộc của xe đi Đà Lạt nên hàng quán cũng ngày một nhiều hơn, chứ trước đây văng hoe.

Lối ra Chợ Lầu, Sông Mao (từ Đại Ninh +16km): Có trạm dừng chân Hương Sen bên trái (rẽ phải rồi quay đầu), phù hợp cho đi ngược từ Nha Trang vào TP Hồ Chí Minh. Rẽ phải thì có hàng quán vừa và nhỏ thôi, nó là thị trấn nên cũng không đến nỗi đìu hiu. Đi khoảng 3km có cây xăng PVOil Sông Mao, đi tới 500m có quán Ao Sen mát mẻ, có đủ món đồng quê ngon, rẻ.

Lối ra Vĩnh Hảo (từ Chợ Lầu +32km): Xưa cao tốc “tạm” kết thúc ở đây, nên đoạn đường dẫn đã mọc lên nhiều quán ăn 2 bên đường. Bác tài thường đổ xăng ở cây Petro 114 ngay lối ra.

 

Trạm dừng nghỉ tạm bên trái tuyến cao tốc cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết được bố trí tại lý trình Km199+700.

 

Có xe máy đi ngược chiều: Đa số là xe chạy ngược chiều xong rồi rẽ qua đường nhánh, có lẽ ngày trước lúc chưa thông xe nhà thầu còn thi công thì xe máy chạy vào nhiều nên giờ quen cứ chạy vào. Có nghe nhiều anh em bảo công nhân đang thi công cũng đi ngược chiều nên các bác chú ý cẩn thận.

Chó băng qua đường nhiều: Theo chia sẻ của bác tài thì lúc đi có 2 con phi qua bất chợt từ trước nhưng tốc độ xe mình chỉ dưới 80km/h nên không sao, nhưng chạy toàn tuyến hơn 100km thì thấy xác be bét của 2-3 con chó. Nạn chó ở đây có khi còn nhiều hơn bên Phan Thiết – Dầu Giây nên các bác tài cẩn thận. Vấn đề chó băng qua đường có lẽ còn lâu mới hết được vì số hoạt động ở các nhà vườn 2 bên đường nên cứ thích là băng qua.

Đó là những lưu ý mà bác tài cần lưu ý khi di chuyển trên cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp cho bác tài lựa chọn được lịch trình hợp lý, đặc biệt vào dịp lễ, mật độ giao thông cao hơn nhiều lần, hy vọng các bác tài sẽ có những chuyến đi an toàn, bình an và thuận lợi. Nếu như bác tài còn biết những lưu ý nào hãy đừng ngần ngại bình luận phía bên dưới nhé!

Chia sẻ